Tìm hiểu về Nội đạo tràng trong văn hóa Phương Đông
Dưới đây là 2 bài viết hay về Nội đạo tràng trong văn hóa phương Đông, cụ thể là vùng Quảng Xương Thanh Hóa do tiến sĩ Bù Quang Thanh đăng trên tạp chí Nghiên cứu tôn giáo.
Bài 1: Bước đầu khảo sát Nội đạo tràng vùng Quảng Xương Thanh Hóa
Có một hiện tượng tôn giáo – tín ngưỡng độc đáo liên quan đến sự ra đời của dòng Đạo Nội với hiện diện của Đức Phật giáng hạ xuống một vùng đất cụ thể, từ nhiều trăm năm qua, đã được ghi chép vào sử sách và truyền kể qua nhiều thế hệ người dân dọc các xã ven biển vùng Quảng Xương, Thanh Hóa. Xoay quanh một địa dư đích thực là Yên Đông, qua tâm thức của dân gian, đây chính là nơi phát tích của một dòng đạo, khai sinh cho một thứ tôn giáo bản địa có linh thiêng Phật Tổ, có uy lực và sức mạnh kỳ bí của thần linh, đủ sức trấn ngự và khuất phục tâm linh bao đời, không chỉ từ phạm vi một làng, một vùng mà còn lan toả ra nhiều địa phương của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và khu Bốn cũ.
Bạn đang xem: Tìm hiểu về Nội đạo tràng trong văn hóa Phương Đông
Và, cũng trải qua 4 thế kỷ, Đạo Nội Yên Đông vẫn có sức sinh tồn riêng, vẫn có sức hút tâm linh độc đáo và ẩn chứa không ít vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa đặc thù người Việt, mà, nếu khoa học liên ngành đi sâu giải mã, khơi sáng, chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa và giá trị tích cực đối với thực tiễn xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại hôm nay. Đứng trước một đối tượng văn hóa – tâm linh có không ít ẩn số phức tạp như vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là khảo sát khách quan thực trạng nảy sinh và tồn tại của đạo nội Yên Đông qua diễn tiến các chặng hành trình văn hóa vừa chung (phạm vi quốc gia, dân tộc), vừa riêng (phạm vi làng, xã, vùng) để từ đó, khả dĩ nhận diện được bản chất chung / đặc thù của chính loại hình sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng này, ngõ hầu góp phần vào việc xử lý, định hướng, phát huy và bảo tồn những nét văn hóa tích cực của người Việt trong cuộc sống đương đại và mai sau.
Tư liệu liên quan đến Nội Đạo Tràng được biên soạn vào loại sớm nhất là cuốn: Đại Nam Lê triều Thanh Hóa Nội Đạo Tràng tam thánh bảo lục được soạn năm 1660, trung san năm 1807, không rõ tác giả(?). Hiện có hai bản chép tay mang ký hiệu A1316, dày 284 trang và A926, dày 404 trang lưu tại thư viện Viện Hán Nôm ở Hà Nội. Cũng ở thư viện này còn cuốn Nội Đạo Tràng liệt thánh bảo lục do Nguyễn Tảo, tự Pháp Ngôn, hiệu Văn Trai biên soạn, in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902) mang ký hiệu A2975, dày 70 trang (1). Đây có lẽ là cuốn sách có nội dung gần với truyền thuyết dân gian hiện đang được lưu truyền ở 2 làng Mậu Xương và Bồi Quang hơn cả. Theo tài liệu này, cốt truyện chủ yếu là: Quỳnh Lâm hầu Trần tướng công làm quan lớn đầu đời Lê Trung Hưng (1533 – 1593), muộn con, cầu tự ở chùa Tuyết Phong, Mậu Xương. Quỳnh Lâm hầu sinh ra một con trai vốn là vua nước Tây Vực đầu thai mà thành, tên là Trần Ngọc Lành, được gặp Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, được phong Thượng Sư và đến Từ Minh mở trường, thu nhận đệ tử. Thượng sư sinh 3 con trai, có chữ trên vai. Cả 3 đều tài giỏi và được phong Thánh. Con trưởng của Tiền Quan là Hậu Quan. Tam thánh qua đời thời Vĩnh Thịnh (1705-1719). Đồ đệ của Hậu Quan là Pháp Cống lừa bắt được Liễu Hạnh và quy phục làm đệ tử của Nội Đạo. Phần sau của cuốn sách này dành cho việc giới thiệu lai lịch của Bát Bộ Kim Cương, mười hai vị nguyên soái, về Bạch Xà thần tướng, Ngũ Hổ thần tướng, về thần binh 18 nước.
Bên cạnh các tư liệu trên, liên quan hoặc ghi lại hiện tượng có liên quan đến Nội Đạo Tràng còn có trong: Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ; Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4 của Nguyễn Đổng Chi (có dẫn lại tư liệu về Sòng Sơn đại chiến sử của Lăng Tuyết) và tư liệu Sự ra đời của Nội Đạo Tràng ở Việt Nam, thông báo của trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO), số 34 – 1943. Bài thuyết trình ngày 5-1-1940 của giáo sư Nguyễn Văn Huyên in trong bộ sách Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, từ trang 481 – 484) (2). Ngoài ra, còn một số bài viết hoặc đoạn tư liệu rải rác in trên báo chí có liên quan hoặc nhắc tới Nội Đạo Tràng.
Đến đây, cũng cần nhận thức rằng, để có cái nhìn chuyên sâu về một đối tượng khảo cứu là Nội Đạo Tràng, ngoài việc truy cứu dữ liệu từ truyền thuyết dân gian và tư liệu sách vở có ghi chép, tất yếu phải xem xét chi tiết, cụ thể những di vật văn hóa của Nội Đạo còn đọng lại, những nghi thức tế lễ qua các ngày đại kỵ được tổ chức ở An Đông, Mậu Xương, Từ Minh với tất cả các cách thức mang tính nguyên hợp vốn có của nó. Và thêm nữa, cần có sự khảo cứu ở các địa danh qua các vùng đất khác có liên quan đến Nội Đạo như Nghệ An, Hà Tây, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương,… thì vấn đề Nội Đạo Tràng, một hiện tượng có vóc dáng của một tôn giáo bản địa độc đáo mới hiện diện và bộc lộ bản chất đích thực của nó.
Qua khảo sát bước đầu thực trạng Nội Đạo Tràng ở Thanh Hóa và soi qua một số công trình đã công bố về Nội Đạo Tràng, chúng tôi muốn gợi mở đôi điều sau đây:
1. Hầu hết các cụ già ở các làng Mậu Xương, An Đông và Từ Minh, nơi đã và đang lưu truyền các câu chuyện liên quan đến Nội Đạo Tràng, đều hiểu rằng đó là Trường dạy học Nội Đạo. Ngay học giả Nguyễn Văn Huyên khi giới thiệu Sự ra đời của Nội Đạo Tràng ở Việt Nam cũng coi Nội Đạo Tràng chính là Trường học Nội Đạo. Có lẽ, những người hiểu và giải thích nghĩa của Nội Đạo Tràng như trên đã căn cứ vào sự xuất hiện và tồn tại trong một thời gian dài của các trường đào tạo đệ tử cho Nội Đạo ở đất Từ Minh, Trường thuật sĩ ở Nghệ An, Trường thuật sĩ ở Hải Dương, Trường thuật sĩ của Nội Đạo ở Trung Quốc.
Xem lại chữ Tràng trên các bức đại tự có khắc ba chữ Nội Đạo Tràng treo tại các chùa – đền Mậu Xương, An Đông, Từ Minh và đối chiếu với các từ điển Hán – Việt thì nó không mang nghĩa là trường học mà mang nghĩa hoàn toàn khác, là chỉ nơi chốn, địa điểm tồn tại hoặc lưu giữ một vật, một sự kiện hoặc hiện tượng nào đấy. Ngoài ra, nó có thể được hiểu theo nghĩa chỉ một bộ phận, một tổ chức có tính độc lập như trong cụm từ Trưởng Tràng dùng cho các môn phái võ lâm chẳng hạn. Không đồng ý với cách hiểu nghĩa của Tràng là trường học, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh có nhận xét: “Xưa Nội Đạo tràng là một đạo tràng lập ra trong cung vua. Nay cơ sở này lập ở một làng có thượng sư chữa bệnh bằng phù phép cho vua, tuyệt nhiên không có nghĩa là Trường học Nội Đạo, coi đó là Đạo gọi là Nội Đạo”(3).
2. Không đồng ý với cách hiểu Nội Đạo Tràng chính là trường học (dạy) của Nội Đạo như tác giả Nguyễn Duy Hinh là chính xác. Nhưng quan niệm Nội Đạo Tràng ở An Đông chính là một dạng của cơ sở đạo tràng lập ra trong cung vua thì có lẽ cần xem xét lại. Thực tế là các triều Trần, Lê trong lịch sử nước ta, đã từng có một khu vực dành cho cơ sở Đạo Tràng. Nhưng cơ sở đó thực chất chỉ là địa điểm để tàng trữ các sách kinh, kệ của Đạo giáo, Phật giáo (một dạng thư viện tôn giáo) phục vụ cho một bộ phận chức năng nào đó của triều đình. Nếu khảo lại các truyền thuyết và các tư liệu sử sách có liên quan trực tiếp đến Nội Đạo Tràng An Đông và dáng dấp tồn tại theo các tiêu chí của một tôn giáo thực thụ của nó như chúng tôi đã nêu ra ở trên thì thật khó lý giải cho cơ sở “Đạo Tràng lập ra trong cung vua” như đã đề cập.
3. Không ít nhà nghiên cứu đi đến nhìn nhận Nội Đạo Tràng An Đông chỉ dừng lại ở góc độ bề nổi đạo pháp của nó, nghĩa là thiên về các hành vi tôn giáo bí hiểm như bùa chú, phù phép phù thủy. Coi Nội Đạo Tràng như “Một đạo phái ra đời vào cùng khoảng thời gian xuất hiện đạo Mẫu”, tác giả của Đạo Mẫu ở Việt Nam cho rằng: “Đây là đạo phù thuỷ đã được nâng cao với phương thức dùng phù chú, ấn quyết”(4). Cùng quan điểm như vậy, tác giả của Người Vịêt Nam với Đạo giáo nhận xét: “Nội Đạo Tràng là hiện tượng phù chú phái của Đạo giáo nhưng đã thâm nhập Phật giáo và Nho giáo”(5). Và trong công trình khảo sát rộng hơn, kỹ lưỡng hơn về các hình thức tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Đăng Duy đã đi sâu nghiên cứu các biểu hiện giống và khác nhau giữa tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc Việt Nam. Theo nhận xét khái quát của ông “tôn giáo là một cách lý giải mang danh nghĩa một giáo chủ về sự giáng thế và cứu thế một cách siêu hình, nhằm làm cho người ta tin theo, gây thành nếp sống xã hội theo niềm tin thiêng liêng ấy”. Cũng theo tác giả này, những yếu tố cấu thành tôn giáo bao gồm: Giáo chủ, Giáo lý, Giáo hội, Giáo đường. Và mặc dù chưa thấy tác giả tìm hiểu Nội Đạo Tràng An Đông nhưng ông đã đi đến nhận xét khái quát: “ở nước ta không có tôn giáo, mà chỉ có các tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ thần, tín ngưỡng thờ Mẫu”(6).
Quả thật, dù mới bước đầu khảo sát thực trạng của Nội Đạo Tràng ở An Đông, Mậu Xương, Từ Minh, chúng ta vẫn có thể ít nhất nhặt ra được những yếu tố cấu thành tôn giáo, “hay những điều kiện để tôn giáo ra đời tồn tại”. Những định nghĩa về tôn giáo của các học giả Tây phương như X.A.Tocarep, U. Lambert, G.V. Plêkhanốp,… như những gợi mở lý thú khi soi vào thực trạng Nội Đạo Tràng An Đông, dọn đường cho sự khảo cứu chuyên sâu, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn về một dòng đạo đích thực, một thứ tôn giáo bản địa độc đáo của văn hóa Việt Nam dù hiện nay nó hiện hình chỉ mờ tỏ trên đất Thanh Hóa. Nhưng nếu ngược qua các bước đường thăng trầm lịch sử của nó, sự nhận diện khuôn dạng riêng rẽ này của Nội Đạo Tràng chắc sẽ có những lý lẽ tích cực và đóng góp cho khoa học!
B.Q.T
Chú thích
1. Hiện nay, cụ Nguyễn Thanh Vang ở Mậu Xương đang có cuốn gia phả họ Trần Ngọc bằng chữ Hán, cuốn Nội Đạo Tràng liệt thánh bảo lục của Nguyễn Tảo (chữ Hán) và bản dịch của Huyền Cư Tô Ngọc Cừ, Hà Nội, 1994 (đánh máy khổ giấy A4).
2. Thực ra, tác giả Nguyễn Văn Huyên đã gần như sao chép lại chuyện kể về Nội Đạo vốn được ghi chép lại trong cuốn Vân Cát thần nữ truyện của Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748) và bổ sung thêm câu chuyện về cuộc đại chiến Sòng Sơn vốn được ghi trong Thần tích làng Vân Cát của tổng Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, ở phần 2 có tựa đề Vân Cát thần nữ -hiện đang được lưu trữ tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội, ký hiệu AFa 15/18 có dấu của Viễn Đông Bác Cổ.
3, 5. Nguyễn Duy Hinh, Người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb KHXH, Hà Nội, 2003, tr.728, 735.
4. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.153.
6. Nguyễn Đăng Duy, Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.485.
Bài 2: Về lễ đại kị Phật tổ của Nội đạo tràng ở Thanh Hóa
Nội Đạo Tràng là một hiện tượng tín ngưỡng độc đáo đã từng nổi tiếng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chúng tôi đã có dịp điền dã trực tiếp tại vùng đất phát sinh ra hiện tượng văn hóa tâm linh này, là các xã Quảng Hải, Quảng Lưu (huyện Quảng Xương) và Hoằng Long (huyện Hoằng Hóa) tỉnh Thanh Hóa. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu những nét cơ bản trong lễ Đại kị Phật Tổ Nội Đạo Tràng, vốn đã và đang được ghi nhận trong tâm thức người dân, đồng thời vẫn được thực hành trên vùng đất đã sản sinh ra hiện tượng tín ngưỡng độc đáo của người Việt.
Nội Đạo Tràng vốn và trước hết gắn chặt với sinh hoạt tín ngưỡng của 3 làng An Đông xã Quảng Hải (nơi sinh ra Phật Tổ Nội Đạo Tràng), làng Từ Minh xã Hoằng Long (nơi tỏa nghiệp của Nội Đạo Tràng) và làng Mậu Xương (nơi Phật Tổ hóa thân). Ngoài ra, trên đất Thanh Hóa còn nhiều nơi khác cũng lập đền ư chùa để thờ Phật Tổ và các Thánh của Nội Đạo Tràng, như các đền thờ ở Quảng Nham (Quảng Xương), Hoằng Khê (Hoằng Hóa) và hàng loạt di tích thờ tự của người Mường các huyện Bá Thước, Mường Lát, Thạch Thành, Cẩm Thủy,v.v… Việc cư dân Mường lập đền ư chùa thờ Phật Tổ và Tam Thánh Nội Đạo Tràng, trong các ngày lễ kị, các pháp sư Mường vẫn hành lễ bằng cách niệm chú, bắt quyết, múa xích kết hợp với cúng Mo,… là những gợi mở khoa học lí thú cho vấn đề nghiên cứu sự giao lưu văn hóa, tín ngưỡng giữa hai dân tộc Mường ư Việt.
Các nghi lễ có liên quan trực tiếp đến Nội Đạo Tràng ở 3 làng An Đông ư Từ Minh ư Mậu Xương, đều có chung những ngày lễ kị sau đây:
- Ngày 23 tháng 5 âm lịch: Giỗ bà vợ của Quỳnh Lâm Hầu Trần Ngọc Thích, hiệu là Từ ái (không có tên húy), người sinh ra Phật Tổ Trần Ngọc Lành.
- Ngày 23 tháng 11 âm lịch: Giỗ cha của Phật Tổ là Quỳnh Lâm Hầu (thời Lê Trung Hưng đã được làm quan trong triều).
- Ngày 28 tháng Giêng: Đại kị Phật Tổ Trần Ngọc Lành. Đây là ngày lễ kị được tổ chức lớn nhất trong năm.
Vào các ngày lễ kị chung, các làng đều tổ chức riêng, lễ vật cúng tế phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, số lượng người tham gia và khả năng chuẩn bị của từng nơi. Tại chùa Mậu Xương, nơi được truyền là Phật Tổ quy y, việc tổ chức tế lễ đã vượt ra ngoài phạm vi một dòng họ, một làng và trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cả một vùng với quy mô cộng đồng và ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng. Cho nên, tìm hiểu về ngày lễ kị lớn nhất trong năm, chúng tôi tiến hành khảo sát trước hết các quy trình nghi lễ được tổ chức ở làng Mậu Xương, xã Quảng Lưu.
1. Tổ chức giỗ Phật Tổ ở chùa Mậu Xương
a. Từ năm 1945 trở về trước
Theo các cụ già làng Mậu Xương kể lại: Công việc chuẩn bị cho lễ kị Phật Tổ xưa kia đều do Hương Lí đứng ra quản lí và tổ chức tế lễ. Hằng năm, Hội đồng Hương Lí và các cụ cao niên trong làng cử ra một nhóm người của làng có đủ tư cách, đạo đức, được dân làng quý mến đứng ra thầu khoán khu hương hỏa có diện tích 3 mẫu 6 sào để canh tác nhằm lấy kinh phí phục vụ cho ngày giỗ Phật Tổ của làng. Các vị Hào mục và Hội đồng dân biểu có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và kiểm tra. Trước đây, ngày giỗ Phật Tổ được coi là ngày trọng đại của làng, được tổ chức theo giáp (gồm các thôn Mậu Đông, Mậu Bắc, Mậu Trung). Tuy vậy, vào ngày đó vẫn còn rất đông con cháu từ các vùng Quảng Nham (Quảng Xương), Thanh Phong (Thanh Chương, Nghệ An) và dân chúng khắp nơi mang lễ về cúng tế.
Để chuẩn bị cho ngày đại kị được chu đáo và trang trọng, Hội đồng Hương Lí cùng các già làng, những người từ 60 tuổi trở lên, tổ chức nhiều cuộc họp mặt để bàn bạc và thực hiện trước đó những đợt tế lễ cũng không kém phần quan trọng, liên quan đến “vận mệnh” làm ăn và sinh sống của con cháu trong làng. Đó là cúng Giao thừa và Tết Nguyên Tiêu – Rằm tháng Giêng.
Sau Tết Nguyên Đán, Hội đồng Hương Lí tổ chức cho họp đại diện của 5 giáp trong vùng (trong đó, giáp Mậu Xương đóng vai trò chính) để bàn soạn cách thức tổ chức và chuẩn bị lễ vật cho ngày lễ Rằm tháng Giêng và đặc biệt là ngày kị Phật Tổ (28 tháng Giêng).
Ngày 14 tháng Giêng, dân chúng từng giáp tổ chức cho con cháu rước lô nhang từ các nghè, miếu về đình (nơi thờ các thần thành hoàng). Khi đình bị phá, mọi người cho rước về chùa. Bát nhang được đặt lên kiệu (linh xa), kèm theo mâm ngũ quả và trang trí đẹp, được thanh niên trai tráng (có chọn lựa) rước đi và về. Năm 1937, khi chùa Mậu Xương được làm lại khang trang, ba quan lớn tỉnh Thanh Hoá gồm quan Thượng Thư, quan Bố Chánh, quan án Sát cung tiến 5 chiếc kiệu lớn sơn son thếp vàng rất đẹp để dùng vào việc rước lô nhang và rước cỗ về chùa.
Từ ngày Rằm tháng Giêng (Nguyên Tiêu), dân ở các giáp thường cho người đến vườn chùa (khi đó cây cối tốt như rừng) chặt cây về đóng đàn để tế lễ và nhộn nhịp chuẩn bị làm cỗ cúng tại tư gia, tại làng và chuẩn bị rước cỗ lên chùa.
Xem thêm : Chia sẻ cách khấn vái và phẩm vật cúng tế
Cỗ làm để cúng rằm và cúng Đại kị Phật Tổ cũng được quy định chặt chẽ. Người được chọn làm cỗ cho làng nhất thiết phải biết nấu nướng ngon (chủ yếu là biết đồ xôi), năm cũ không có tang. Cách thời điểm làm cỗ một tháng, người đó phải cách li với những công việc uế tạp như phân gio đồng ruộng, quan hệ vợ chồng, nam nữ. Mâm cỗ để cúng ngày xưa chỉ có xôi oản, hoa quả và vàng mã, tuyệt đối không có thịt (sau này mới có thêm thịt lợn luộc và rượu gạo). Trên mỗi mâm cỗ thường đóng 12 chiếc oản và 2 chiếc oản có đánh dấu riêng dành cho thầy cúng (!). Mỗi giáp buộc phải mang 2 mâm cỗ vào chùa (chất lượng và số lượng như nhau): một mâm (một lễ cỗ) đặt trên ban thờ Phật Tổ, một mâm đặt trên ban thờ Mẫu Liễu ở hậu cung. Khi rước kiệu đến cửa chùa, đưa cỗ vào (hạ lễ cỗ từ yên thử hoặc kiệu) chỉ có các cụ cao niên (từ 50 hoặc 60 tuổi trở lên) mới được tham gia. Đàn bà, con gái không được theo vào chùa, chỉ đứng ngoài sân mà bái vọng.
Ngày 27 tháng Giêng, từ giữa trưa đến khoảng 10 giờ đêm là thời gian nhận lễ cỗ từ các giáp (làng) hoặc các bản hội, cá nhân rước đến chùa. Cỗ đặt phía trong trên ban thờ Phật Tổ và Mẫu Liễu khởi đầu dành vị trí cho 5 làng (hay 5 giáp) sau mới đến lễ cỗ của các bản hội, dòng họ, cá nhân. Lễ cỗ được nhận vào bày đặt trước hay sau phụ thuộc vào độ tuổi của người cao nhất từng làng. Làng (giáp) nào có người cao tuổi nhất so với các làng khác được dâng đặt cỗ trước. Rồi sau theo thứ tự tiếp theo mà đặt. Nơi đặt cỗ của 5 làng ở gian phía trong (ban giữa, trung tâm) dành cho các làng có người từ 70 tuổi trở lên. Ban ngoài dành cho cỗ của các thành phần dòng họ, cá nhân… xếp đặt sao cho đẹp mắt là được.
Trước 12 giờ đêm ngày 27 tháng Giêng, mọi chuyện xếp đặt cỗ bàn phải hoàn thiện, thầy cúng và người phụ việc phải sẵn sàng. Con cháu các làng tề tựu rải chiếu ngồi chắp tay bái hướng vào trung tâm của chùa, chờ đợi. Trong ngày kị Phật Tổ, phải có ít nhất 3 người tham gia phần nghi lễ: thầy cúng vừa cúng vừa đánh trống con, người phụ cúng bên trái đánh mõ hoặc đánh trống cái (khi cần), một người phụ lễ bên phải thầy cúng, giúp các việc như sửa lễ, dâng hương, lật giở hay chuyển sách cúng cho thầy…
Vào đúng thời khắc Giao thừa chuyển sang ngày 28 tháng Giêng, (0 giờ), phụ cúng dóng 3 hồi 9 tiếng trống cái. Thầy cúng vào làm lễ khai quang. Bước đi của thầy cúng từ cửa chùa vào cũng theo những quy định chặt chẽ: Đi theo hình chữ Thúc Phược (nghĩa là trói buộc) hoặc đi theo lối Ngũ Hành (nếu tế lễ 4 mùa). Nhất thiết phải bước vào từ phía bên phải chùa, không vào từ phía trái (tránh gặp vận rủi). Thầy cúng khi tế lễ thường mặc y phục của nhà Phật hoặc áo cúng các màu xanh, đỏ, vàng; đội mũ hoa sen, tay cầm trượng (được làm bằng gỗ quý sơn màu đỏ thẫm, hình vuông cỡ 5cm x 5cm, dài 45ư50cm, trên 4 mặt có khắc chữ Hán theo hình cách điệu). Khi cúng, cấm gọi tên húy của Phật Tổ và các quan Thánh. Lúc xin âm dương, tay trái bê đĩa, trên có 2 đồng tiền kẽm, phủ nhiễu đỏ, tay phải đặt dọc bàn tay trước ngực, miệng đọc lời khấn bằng chữ Hán ư Nôm. Những bài kinh kệ do thầy cúng tự chọn sao cho thời gian tế lễ kéo dài đúng 1 khắc (2 giờ). Sau đó thủ nhang và 2 người đại diện chung cho các làng vào dâng hương, thắp thêm tuần nhang và khấn vái. Đến khoảng 5 giờ sáng, thầy cúng khấn vái và xin âm dương rồi ra hiệu cho con cháu các làng, các bản hội, dòng họ vào hạ lễ để thụ lộc. Lộc được chia ngay tại sân chùa. Chỉ những ai có mặt trong ngày tế lễ đó mới được hưởng lộc. Từ sau khi thụ lộc cho đến chiều tối là thời gian vui chơi. Tất cả mọi người đều có thể tham gia vào các trò chơi như kéo co, cờ người, chơi đánh đáo, thi hát chầu văn, hát ca trù và hát hèo,v.v…
b. Tổ chức lễ Đại kị Phật Tổ chùa Mậu Xương hiện nay
Từ năm 1998, sau khi được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh, chùa Mậu Xương ngày càng được xây dựng, tôn tạo khang trang trên phạm vi khu đất cũ của chùa ngày xưa. Với phương châm đầu tư vật chất và tinh thần để xây dựng môi trường văn hóa địa phương hiện đại, tiên tiến và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống quê hương, chính quyền xã Quảng Lưu và Ban Quản lí Di tích chùa Mậu Xương đã dần dần định hình được những cách thức hoạt động có nền nếp, văn minh cho các sinh hoạt tín ngưỡng của quần chúng nhân dân. Nhiều nếp sinh hoạt cũ đã được gạn lọc và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân vùng đất này ngày nay. Với người dân Quảng Lưu và các xã lân cận, ngày giỗ Phật Tổ Nội Đạo Tràng giờ đây thực sự là ngày lễ hội văn hóa đáp ứng được nhu cầu tâm linh của quần chúng.
Sau Tết Nguyên Đán, Ban Quản lí Di tích chùa Mậu Xương tổ chức họp với các trưởng thôn và đại diện Hội Người cao tuổi của làng tại chùa để bàn công việc tổ chức ngày giỗ Phật Tổ. Ban Quản lí Di tích phụ cấp cho mỗi thôn từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng để góp vào kinh phí chuẩn bị đồ tế lễ. Theo quy định, mỗi thôn phải làm 2 cỗ chung để dâng lên chùa, còn các cá nhân, bản hội thì tùy tâm và tuỳ điều kiện kinh tế. Các cụ cao tuổi ở các thôn phụ trách chuẩn bị làm cỗ và mua đồ tế lễ, chuẩn bị án thư, kiệu.
Lễ Thượng Nguyên gần như vẫn duy trì các lễ tục như xưa nhưng ngắn gọn và giản tiện hơn nhiều. Tất cả sự long trọng, uy nghiêm được dành cho ngày Đại kị Phật Tổ.
Ngày 26 tháng Giêng, các ban bệ tự kiểm tra các khâu cuối cùng cho việc hành lễ ngày Đại kị. Chiều tối, tổ chức giao lưu và sinh hoạt văn hóa giữa các thôn, các xóm, đối tượng phục vụ và tham gia rộng rãi, tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa sôi động, tích cực, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Trưa ngày 27 tháng Giêng, làng Mậu Xương làm lễ rước ông Tiên Chỉ (người cao tuổi nhất làng) ra chùa. Làng nào có ông Tiên Chỉ, được đứng ra chủ trì dâng lễ với sự tham gia của đông đảo con cháu, họ tộc và dân làng. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tích cực, có giá trị nhiều mặt trong việc giáo dục con cháu sống theo đạo lí uống nước nhớ nguồn, kính trên nhường dưới, kính lão đắc thọ, có tác dụng sâu sắc đến lớp lớp thế hệ con cháu hôm nay.
Từ chiều đến khoảng 10 giờ đêm ngày 27 tháng Giêng, đại diện Ban Tổ chức đứng ra nhận lễ cỗ của các thôn và các làng khác dâng vào chùa. Thứ tự mang cỗ tế lễ vào chùa sau cỗ lễ của thôn có ông Tiên Chỉ, được cắt đặt tùy theo điều kiện đi lại và địa giới hành chính gần đến trước, xa đến sau. Cỗ để hành lễ cũng được quy định cụ thể: chủ yếu là xôi đóng oản, hoa quả và vàng hương. Trên ban Tam Bảo tuyệt đối không đặt cỗ mặn. Các ban dưới có thể đặt thịt gà, thịt lợn luộc kèm muối rang, nhưng không khuyến khích đặt rượu. Nếu đặt rượu lên ban, không được mở nút chai/nậm. Chỉ mở nút rượu khi đã hạ lễ xuống dưới sàn. Cỗ đem vào đặt trong ban thờ chính phải do các cụ từ 70 tuổi trở lên đảm trách. Cỗ của các cá nhân và các làng khác đặt ở ban ngoài, sao cho hợp lí và đẹp mắt. Cỗ của các thôn mang đến được đặt vào 2 vị trí quan trọng là ban thờ Phật Tổ ở chính giữa và ban thờ Mẫu Liễu phía hậu cung.
Trước 12 giờ đêm, sau khi cụ Tiên Chỉ và các bô lão an tọa, con cháu đến dự lễ ngồi trên nền chùa, tất cả đều được vào tham dự, không phân biệt nam nữ, thành phần, tuổi tác. Vào đúng lúc chuyển sang ngày 28, thầy cúng và hai người phụ lễ bước vào vị trí hành lễ. Khởi đầu, thầy cúng đọc bài cúng kể lại gốc tích Phật Tổ Yên Đông, khấn cầu điều thiện, điều phúc và cầu lộc cho con cháu. Tiếp đó, ông đọc các bài kinh kệ của nhà Phật với nội dung khuyên nhủ con cháu làm điều thiện, điều lành, thương quý nhau. Cuối buổi lễ, đại diện Ban Quản lí Di tích thay mặt dân làng hứa với Phật Tổ cùng dân làng làm ăn tấn tới, đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày một văn minh, hiện đại, nối bước truyền thống nhân nghĩa của cha ông. Sau đó, các bản hội, dòng họ và cá nhân có nhu cầu tế lễ đều được tự do lên nhang và cầu khấn trước các ban thờ. Từ 5 giờ sáng ngày 28 trở đi, mọi người cùng nhau đến hạ lễ và thụ lộc tại chùa hoặc tại địa điểm thuận lợi do trưởng thôn hoặc trưởng họ quy định.
2. Tổ chức giỗ Phật Tổ ở làng An Đông xã Quảng Hải
Chuẩn bị cho ngày giỗ Phật Tổ ở chùa An Đông vào ngày 28 tháng Giêng chủ yếu do con cháu chi họ Trần Ngọc tiến hành. Cách ngày giỗ 1 tuần, con cháu trong chi họ tập trung họp bàn chuẩn bị cho giỗ Phật Tổ. Cả chi họ, dưới sự chủ trì của chi trưởng và các cụ cao tuổi, tập trung thu kinh phí từ các gia đình để làm cỗ chung. Cỗ gồm có xôi, thịt lợn, oản, hoa quả và rượu. Họ tộc cử ra một Ban Hậu cần bao gồm những người có tâm huyết, không phạm khuyết điểm, không có tang và những gia đình có con cái học hành thành đạt.
Cả ngày 27 dành cho việc chuẩn bị cỗ lễ: thịt lợn, nấu xôi, đóng oản và mua hoa quả bầy lên các đĩa kèm vàng hương. Tại làng An Đông có nhiều chi họ Trần (như Trần Ngọc, Trần Quốc, Trần Văn, Trần Tất, Trần Hiểu, Trần Duy, Trần Xuân; mỗi chi họ đều có nhà thờ riêng; chi họ Trần Ngọc là chi trưởng) nên các chi tự làm cỗ riêng ở nhà chi trưởng rồi mang ra chùa ư đền để cúng Phật Tổ . Từ 10 giờ đến 12 giờ đêm ngày 27, cỗ được mang từ các chi họ đến đặt ở chùa ư đền An Đông. Cỗ chung của dòng họ Trần được đặt ở ban thờ Phật: chỉ có xôi, oản, hoa quả. Nghiêm cấm đặt cỗ mặn. Mâm cỗ có xôi, oản, thịt, rượu dành đặt lên bàn thờ Tứ Thánh (Tả Thánh, Hữu Thánh, Tiền Thánh và Hậu Thánh).
Lễ cúng được khởi sự từ 0 giờ ngày 28 tháng Giêng. Thực hành lễ cúng gồm thầy cúng và 1 hoặc 2 người phụ việc (thắp nhang, dâng rượu, đánh chuông, đánh trống). Trang phục của thầy cúng gồm: mũ xếp đen, khăn đen, áo đen. Khi thầy thỉnh lễ có tay ấn, tay quyết. Thời gian hành lễ của thầy cúng kèo dài từ 0 giờ đến 2 giờ đêm. Cách thức tiến hành bao gồm:
Người giúp việc đánh trống cái, đánh chuông (3 hồi 9 tiếng).
- Thầy cúng đọc bài tế thỉnh Phật Tổ, các Thánh (chỉ gọi tên hiệu và chức danh), Mẫu Liễu và xin âm dương.
- Thầy cúng nói lời hiếu: chủ yếu cầu mong Phật Tổ và các Thánh phù hộ độ trì cho cuộc sống và sức khỏe.
- Thầy cúng lần lượt đọc các bài kinh: Kinh Cứu khổ, Kinh Phổ Độ, Kinh Đại Nguyện; tiếp đó là các bài kệ: Kệ Đức Phật, Kệ Tam Thánh.
- Thầy cúng đọc Nhật trình: kể về lai lịch, tiểu sử và công đức của Phật Tổ.
- Phần cuối của lễ cúng là những bài cúng binh: cúng các quan, các tùy tùng của Đức Phật.
- Từ 7 giờ sáng ngày 28 tháng Giêng: cuộc tế lễ được làm lại với các thủ tục hành lễ như đã diễn ra.
- Từ 9 giờ đến 10 giờ: tiến hành hạ lễ, các chi họ nhận phần chia cho con cháu, riêng các cụ ông từ 50 tuổi trở lên thụ lộc và uống rượu tại nhà đền.
Việc tế lễ ngày xưa thường được tổ chức long trọng, có đủ các loại cờ, lọng, kiệu và trang phục cho đội ngũ tham gia tiến hành cuộc lễ. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên lễ Đại kị Phật Tổ đã được giản lược đi nhiều.
3. Giỗ Phật Tổ ở chùa ư đền Từ Minh
Ngày giỗ Phật Tổ ở chùa ư đền Từ Minh cũng được tổ chức vào ngày 28 tháng Giêng hằng năm. Do con cháu còn ít (chỉ có 2 anh em ruột và vợ con) nên vào ngày giỗ, thường dựa thêm vào sự tham gia của các bản hội và dân chúng trong làng. Vào ngày giỗ, gia đình ông Trần Ngọc Uy thay mặt dòng họ làm cỗ đưa lên ban thờ tế lễ. Các bản hội và dân làng cũng mang cỗ đến lễ, tùy theo mức độ thành tâm của mọi người. Do không biết chữ Hán ư Nôm nên ông Trần Ngọc Uy hầu như chỉ khấn lễ như phong tục tế lễ bình thường của mọi nhà. Tuy nhiên, ông cũng thuộc một số bản dịch kinh kệ và hịch trừ tà ma được truyền lại. Ông cũng được học một vài cách bắt quyết và một số bài niệm chú như Quyết Ngũ Hành Sơn, Quyết Ngọc, Quyết Tróc Tà, Quyết Phóng Chỉ, Quyết Thu Thư Sinh Mệnh. Nhìn chung, việc tổ chức tế lễ Đại kị Phật Tổ ở chùa ư đền Tự Minh là giản lược, ở phạm vi hẹp và chắc hẳn đã bỏ qua rất nhiều cách thức tế lễ từ xưa(2).
Từ những cách thức hành lễ đại kị Phật Tổ ở 3 làng cụ thể quê hương Nội Đạo Tràng trên đây, chúng ta có thể sơ bộ nhận thấy:
- Nghi lễ của Nội Đạo Tràng đã được hình thành từ khá xưa trong lịch sử, trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận quần chúng nhân dân trong vùng. Chắc hẳn có nhiều nghi lễ của Nội Đạo Tràng vốn của Đạo giáo và Phật giáo đã được bản địa hóa để phù hợp với môi trường tín ngưỡng nơi đây. Sự trường tồn và lan tỏa của nó đã mở ra, hoặc tụ vào rồi mới mở rộng ra, từ một dòng họ đến phạm vi làng xã và cộng đồng người Việt xứ Thanh.
- Sau nhiều thăng trầm lịch sử, đặc trưng sinh hoạt xã hội đi kèm theo Nội Đạo Tràng bị mai một, chỉ còn lại phần hành lễ cơ bản với những nghi thức được truyền lưu trong dân gian qua các đời. Trong cách hành lễ, chắc hẳn những nghi thức như đọc bùa chú, bắt quyết xua đuổi tà ma, cầu mong yên ấm cho cháu con vốn là nghi lễ của Đạo giáo được bản địa hóa vào Nội Đạo Tràng đã dần bị mai một, lãng quên.
- Các nghi thức hành lễ Nội Đạo Tràng hiện nay, với giá trị văn hóa tích cực mang đậm chất nhân văn, có tác dụng giáo dục vừa cụ thể, vừa sinh động với lớp người đương đại. Điều này gợi mở cho chính quyền sở tại và các nhà quản lí văn hóa hiện nay những suy nghĩ, ứng xử phù hợp nhằm bảo lưu, khai thác và nâng nghi lễ Đại kị Phật Tổ Nội Đạo Tràng lên tầm một lễ hội văn hóa truyền thống trong điều kiện và nhu cầu xây dựng văn hóa xã hội hôm nay cho cả cộng đồng./.
Chú thích
(1).Đây là những t- liệu ghi chép của chúng tôi qua 2 đợt điền dã vào dịp tháng Giêng các năm 2004 và 2005.
Nguồn: https://hocthuatphuongdong.vn
Danh mục: Tin tức